(Baothanhhoa.vn) – Theo truyền thuyết, ngày xưa trên đất nước Chăm Pa (khu vực cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng – nước bạn Lào ngày nay) chưa có sự đầu tư hồ đập, kênh mương tưới tiêu. Người dân tự khai hoang các piềng, bãi heo hút, khỉ ho, cò gáy thành đồng ruộng. Nguồn nước tưới phụ thuộc phần lớn vào nước mưa. Còn lúa thì cấy bằng các giống lúa bản địa, năng suất thấp, thu hoạch bấp bênh, Nhân dân đói khổ. Vào một ngày mùa hạ, Nhân dân khu vực này chuẩn bị đồ đạc chuyển nơi ở mới thì một cơn mưa to ập đến và đồng thời xuất hiện một con gà trống nhỏ màu đỏ giữa cánh đồng, cất 3 tiếng gáy rất vang (Cáy Nọi, Cáy Nọi, Cáy Nọi – nghĩa là gà nhỏ, gà nhỏ, gà nhỏ). Khi tạnh mưa, người dân chạy ra giữa cánh đồng xem thì chỉ thấy một cây lúa xanh tươi. Cây lúa ngày càng phát triển, chịu hạn hán tốt, sau đó trổ ra 3 bông lúa thơm phưng phức. Từ đó, Nhân dân trong vùng coi cây lúa này là của thần thánh ban cho. Người dân đã lấy cây lúa đó nhân rộng khắp cánh đồng Chum và đất nước Chăm Pa.

Những năm 1980-1990, giống lúa trên đã du nhập vào xã Quang Chiểu. Vì giai đoạn này, Nhân dân xã Quang Chiểu nói riêng và Nhân dân huyện Mường Lát nói chung đang lâm vào cảnh túng đói nên được Nhân dân nước bạn Lào hỗ trợ lúa giống, gạo. Từ đó, Nhân dân xã Quang Chiểu luôn lưu giữ giống lúa quý cho đến nay và gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây là Cáy Nọi, Cay Nọi (Cáy là gà, Nọi là nhỏ, nghĩa là lúa con gà nhỏ, nhỏ nhưng gáy vang cả núi rừng đất nước Chăm Pa).

Toàn xã Quang Chiểu có hơn 400 ha đất nông nghiệp thì đã có hơn 300 ha trồng lúa nếp Cay Nọi. Cây lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm. Từ độ tháng 6 bắt đầu gieo mạ cấy ở chân ruộng bậc thang thấp, cho đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì thu hoạch.

Giống lúa nếp Cay Nọi có điểm đặc biệt là thời gian từ khi gieo cấy đến khi thu hoạch kéo dài tới 5 tháng. Thời gian gieo mạ cũng kéo dài những 30 ngày, trong khi đó các giống lúa thông thường chỉ gieo mạ dưới 25 ngày. Bởi theo lý giải của người nông dân nơi đây, mạ càng già cây lúa sẽ càng cứng cáp, lúa chắc hạt, càng dẻo, càng thơm. Cây lúa nếp Cay Nọi còn có đặc điểm cao hơn 1m, thân cứng, đặc biệt phù hợp với đồng đất bản Pùng, trồng ở nơi khác không hiệu quả bằng. Trước đây, không có nước tưới, người dân phải đi bộ hàng cây số lấy nước từ các khe suối. Về sau, địa phương đã đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi nên việc tưới tiêu đã đảm bảo hơn nhiều. Thổ nhưỡng ở đây là đất bùn đen màu mỡ. Nhờ chất đất, khí hậu cũng như bàn tay chăm sóc của bà con, lúa nếp Cay Nọi có hương vị đặc trưng. Lúa nếp Cay Nọi khi đến mùa thu hoạch vỏ hạt lúa có màu nâu đỏ, hạt gạo trắng mẩy, khi đồ lên có mùi thơm, dẻo hơn khi ăn nóng. Sản phẩm gạo nếp thường được bà con dùng để đồ xôi, nấu chè, làm bánh… Lúa nếp Cay Nọi vì thế còn gắn liền với đời sống bà con dân tộc Thái trong sinh hoạt, ẩm thực, vào các dịp lễ, tết.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ các sản phẩm OCOP, cụ thể hỗ trợ đối với sản phẩm OCOP 3 sao là 120 triệu đồng, 4 sao là 130 triệu đồng và 5 sao là 150 triệu đồng. Sau khi chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP được công nhận sẽ được huyện hỗ trợ bằng tiền mặt. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ về hồ sơ thủ tục pháp lý đảm bảo các tiêu chí OCOP. Đồng thời, chỉ đạo, định hướng cho xã Quang Chiểu thành lập HTX nông lâm Chung Thành để hỗ trợ xây dựng thành công lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện trong năm 2021.

Chị Lương Thị Nông, Chủ nhiệm HTX nông lâm Chung Thành chia sẻ: Lúa nếp Cay Nọi được bà con Nhân dân bản Pùng, xã Quang Chiểu trồng từ nhiều năm nay. Bản Pùng hiện có 31 hộ gia đình trồng lúa nếp Cay Nọi, với tổng diện tích 20 ha, trong đó có 6 hộ gia đình thành viên tham gia HTX. Mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 tấn/vụ, tương đương với giá trị gạo thành phẩm là 700 – 800 triệu đồng/vụ. Là sản phẩm OCOP đầu tiên xây dựng nên còn nhiều khó khăn, như: HTX mới thành lập còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm, khó khăn về kỹ thuật, vốn hạn hẹp… Tuy nhiên, sau khi thành lập, được sự quan tâm của huyện, HTX đã đấu mối cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm để hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất. Đồng thời, đầu tư sân bãi, kho xưởng, máy móc… để đảm bảo cho HTX duy trì hoạt động, thúc đẩy quá trình xây dựng gạo nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP của huyện.

Sản phẩm gạo nếp Cay Nọi đã có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, có một cửa hàng ở huyện Quảng Xương đang cung ứng sản phẩm nếp Cay Nọi cho bà con. Vào dịp lễ tết, lượng gạo bán ra nhiều hơn bình thường 2 – 3 tấn/ngày.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, HTX sẽ duy trì chất lượng 3 sao và phấn đấu nâng hạng sản phẩm.

Chat Facebook
0383.193.348