Gạo nếp Cay Nọi: Từ đặc sản địa phương thành sản phẩm OCOP

Gạo nếp Cay Nọi đã trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa trong năm 2021.

Lúa nếp Cay Nọi được xem là cây trồng chủ lực của đồng bào Thái ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu, lúa nếp Cay Nọi có hương vị đặc trưng, hạt lúa có màu nâu đỏ, gạo trắng, khi đồ lên có vị thơm ngọt, mềm dẻo. Đây là món ăn đặc sản gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái nơi đây.

Gạo nếp Cay Nọi - sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát
Gạo nếp Cay Nọi – sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát

Trước kia, chưa thành lập hợp tác xã, diện tích gieo trồng lúa nếp của đồng bào vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu tự cung, tự cấp. Do vậy, giá cả bấp bênh, cây trồng sâu bệnh nhiều, năng suất không hiệu quả. Chính vì vậy, Hợp tác xã (HTX) nông lâm Chung Thành đã được thành lập để làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào. HTX liên kết với 31 hộ đồng bào trên địa bàn xã Quang Chiểu, sản xuất gạo nếp Cay Nọi theo chương trình OCOP. Các hộ dân này được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định.

Nhờ việc dồn điền, đổi thửa, giám sát chặt chẽ ở hầu hết các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch nên lúa sạch, ít sâu bệnh, đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là tiền đề để gạo nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát trong năm 2021.

Hiện nay, toàn huyện Mường Lát có 800 ha lúa nước, trong đó, diện tích gieo cấy nếp Cay Nọi đạt khoảng 500 ha. Năng suất lúa nếp Cay Nọi đạt 45/tạ/ha/vụ, bình quân thu lợi nhuận hơn 42 triệu đồng/ha/vụ; các hộ sản xuất trong mô hình đạt lợi nhuận hơn 2,1 triệu đồng/vụ/sào (500m2).

Xác định lúa nếp Cay Nọi là cây trồng chủ lực, thời gian qua xã Quang Chiểu đã nỗ lực mở rộng diện tích, từng bước thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm. Gạo nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào Thái. Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí nhiều thương lái còn phải vào tận nơi đặt tiền trước mới mua được lúa về xay.

Xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp Cay Nọi thành sản phẩm OCOP là một dự án mang tính đột phá của huyện Mường Lát, góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Để nâng tầm giá trị cho gạo nếp Cay Nọi, thời gian tới, HTX nông lâm Chung Thành sẽ cùng bà con xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn”. Đây sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Cay Nọi Quang Chiểu có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định hơn.

Giống nếp Cay Nọi du nhập vào xã Quang Chiểu vào những năm 1980-1990. Giai đoạn này, nhân dân xã Quang Chiểu đang lâm vào cảnh túng đói nên được nước bạn Lào hỗ trợ lúa giống, gạo. Từ đó, xã Quang Chiểu luôn lưu giữ giống lúa quý cho đến nay và gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây là Cay Nọi (cay là gà, nọi là nhỏ, nghĩa là lúa con gà nhỏ, nhỏ nhưng gáy vang cả núi rừng đất nước Chăm pa).

Nguồn: Báo Công Thương